Sách mới

Thiên Táng - Tác giả Hân Nhiên

Tên sách: Thiên táng

Tác giả: Hân Nhiên

Dịch giả: Trần Thị Thanh Loan

Nhà xuất bản: Nxb văn học – 2009

“Án ma ni bát mê hồng.”

“Anh sẽ ở lại vĩnh viễn trên vùng cao nguyên đó, dưới trời xanh mây trắng.”


Tôi nhắm mắt lại, đem linh hồn vươn cao đến trời xanh, xuyên qua mây trắng bồng bềnh nhẹ hẫng, đến với vùng đất cao nguyên linh thiêng huyền bí ấy. Tây Tạng!

Tôi thấy Khả Quân, buông súng đặt bên mình, phủ phục trên mặt đất, trong thâm tâm nói lời vĩnh biệt người vợ yêu dấu, đón nhận cái chết một cách bình thản. Tôi nghe những người Tây Tạng lầm rầm cầu khấn, thấy họ thực hiện từng bước của nghi lễ thiên táng linh thiêng. Tôi nhìn thân thể anh bị xẻ ra, xương bị đập nát, trộn với bơ sữa, từng chút từng chút một bị bầy kền kền ăn mất. Tôi thấy linh hồn anh, một người Trung Quốc, tách khỏi thể xác trần tục, nhẹ bước trên con đường năm màu giữa trời và đất, bay lên trời cao của đất Phật, hướng về cõi niết bàn. Người Trung Quốc, người Tây Tạng, thân thể cũng là máu thịt như nhau, linh hồn cũng sẽ được cứu rỗi như nhau.

Tôi thấy Thư Văn, người con gái trẻ đất Tô Châu yêu chồng tha thiết, lang thang du mục trên cao nguyên Tây Tạng. Tôi thấy cô run rẩy sợ hãi trong sự chém giết vì hận thù sắc tộc, bối rối giữa khung cảnh sống và ngôn ngữ xa lạ, kinh hãi trước những tục lệ khác người. Nhìn thấy mảnh đời dài đôi mươi năm của cô trôi qua trước mắt, cô lạc lối trên đồng cỏ xanh bát ngát, trong mùi phân gia súc ngai ngái, trong tiếng cầu nguyện lầm rầm, trong bãi đá mani ở những ngọn núi thiêng. Cô sống cuộc đời du cư trong vòng tay cưu mang của những con dân đất Tạng. Người con gái Tô Châu tuổi xuân còn mơn mởn dần trở thành người phụ nữ trung niên Tây Tạng. Cuộc đời cô là một khúc ca bi tráng viết bằng trí tuệ, tình yêu, nghị lực của người phụ nữ.

Thiên táng là cuốn sách kể về cuộc hành trình của một người con gái Trung Quốc tuổi đôi mươi, vượt nghìn trùng xa cách đến đất Tây Tạng để tìm kiếm tông tích của người chồng mới cưới. Câu chuyện được Hân Nhiên ôm ấp trong 10 năm ròng rã, trong nỗi day dứt sau cuộc gặp gỡ với người đàn bà bí ẩn mang tên Thư Văn, 1 người đàn bà Tây tạng có xuất xứ là người Trung Quốc.

Đem câu chuyện đặt trong bối cảnh của một đất nước Trung Quốc đang phát triển sau chiến tranh nội chiến Mao – Tưởng, chính quyền Mao Trạch Đông đem vũ lực để trấn áp Tây Tạng, quyết biến vùng đất cách 4000m so với mực nước biển ấy thành một khu tự trị của nước CHND Trung Hoa. Xem lẫn trong những hồi ức của Thư Văn là sự thù nghịch lẫn nhau giữa Quân Giải phóng Trung Quốc và nhân dân Tây Tạng, là những khúc mắc khó hiểu về chính trị. Nhưng tất cả những thứ đó cũng chỉ là mơ hồ thoáng qua, là một bối cảnh mờ nhạt đặt sau sự hùng vĩ của núi non trập trùng, sự linh thiêng của Phật giáo bao trùm, đức tin tôn giáo lớn lao của người Tạng.

Thư Văn dù có trải qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ thì ý chí của cô vẫn kiên cường, quật khởi. Cô không ngừng khẳng định chắn chắn một thứ tồn tại xuyên suốt mạch truyện, đó là tình yêu của cô dành cho Khả Quân. Một tình yêu thủy chung, sâu sắc. Điều làm tôi bất ngờ là Hân Nhiên không để cho Thư Văn từng bước lần ra dấu vết của Khả Quân, mà để cô trải qua hai chục năm dài ròng rã trong mờ mịt, không có bất cứ tin tức nào về anh. Mấy chục năm trời, tuổi thanh xuân cũng trôi qua hết, xung đột cũng chấm dứt, cô mới tìm được Khả Quân. Mấy chục năm trời, người phụ nữ ấy lang thang trên đất Tạng, sống cùng người Tạng, hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Chỉ nghĩ đến cuộc sống như thế thôi tôi đã thấy sợ hãi. Nhưng Thư Văn là một phụ nữ phi thường. Bà dang tay đón nhận thử thách, ngửa mặt hứng lấy những khắc nghiệt của thiên nhiên Tây Tạng, đem hơi thở của đất mẹ thấm vào da thịt, hóa mình thành một người phụ nữ Tây Tạng thật thụ.

Ngôn ngữ viết của Hân Nhiên rất đẹp, bà kể lại câu chuyện của Thư Văn bằng giọng kể của chính cô, trần trụi mà biểu cảm, tự nhiên mà cuốn hút, đem thứ văn chương mềm mại, uyển chuyển để miêu tả những khắc nghiệt trong cuộc đời của Thư Văn. Tây Tạng qua giọng văn của Hân Nhiên hiện lên hùng vĩ bao la, thấm nhuần trong đức tin tôn giáo, mang đầy sắc màu huyền diệu nơi Phật tại. Người Tây Tạng qua giọng văn của Hân Nhiên hiện lên chân thực, sống động, từng nét sống độc đáo của dân du mục được khắc họa rõ ràng, chi tiết, và họ luôn hừng hực một niềm tin mãnh liệt vào trời, vào đất, vào Thần – Phật linh thiêng.

Thời gian, sự sống, cái chết có ý nghĩa khôn cùng đến thế nào, có lẽ đã được diễn đạt một cách đặc sắc và thần kì tột bậc trong Thiên táng. Một cuốn sách không dày, nhưng từng trang, từng chữ lại có nội hàm thâm sâu và kì diệu.


“Câu chuyện về một người phụ nữ phi thường được viết nên bởi một người phụ nữ phi thường khác này sẽ còn mãi trong lòng độc giả.”

Sunday Times.



P.S Tôi cũng đặc biệt thích các nhân vật phụ trong Thiên Táng, từ cô bạn người Tây Tạng Zhouma và Thiên An Môn, gia đình người du mục Gela – Saierbao, tất cả đều rất đặc biệt theo cách của riêng mình. Một cuốn sách nhỏ như vậy, lại có thể chứa đựng nhiều điều hay như thế, thật là hiếm gặp.



*Thiên táng: thiên táng hay còn gọi là điểu táng hoặc không táng, là một phong tục cổ xưa và là hình thức mai táng phổ biến nhất của người Tây Tạng xưa.

Thi thể người Tây Tạng khi qua đời sẽ được xử lý kỹ từ xương, thịt đến nội tạng, óc… Sau đó, có một nghi lễ gọi đàn kền kền hoang dã đến ăn hết thịt và xương. Chim kền kền ăn cho đến khi không sót lại tí nào trên đài thiên táng là một điềm lành, báo hiệu linh hồn của người chết đã về trời hoặc truyền thế…



Chúc các bạn Thành Công và Hạnh Phúc trong cuộc sống.

Xem hướng dẫn download tại đây
P.S.: Tất cả các Ebook và Audiobook post ở TSCB đều có tải về máy cả. Nếu có links nào bị hỏng, các bạn làm ơn thông báo cho chúng tôi biết, chúng tôi sẽ upload links mới post lên lại. Thanks các bạn nhiều nha.


MUA SÁCH GIẤY

Hotline: 0967 841 705 (Zalo và Viber)
Email: noluckhongngung@gmail.com
Thiên Táng - Tác giả Hân Nhiên
Top
Chat với chúng tôi